Tham khảo kinh nghiệm du học Anh từ các cựu du học sinh là hành trang tuyệt vời dành cho những “tấm chiếu mới” lần đầu đặt chân đến Xứ sở sương mù. Sau khi xin học bổng du học Anh, vấn đề các bạn cần quan tâm nhiều hơn chính là các hoạt động cần phải thực hiện ngay trong tuần đầu tiên ở nước sở tại.
Vậy những điều cần biết khi đi du học Anh là gì dưới góc nhìn của các “tiền bối”? Tất cả sẽ được du học Việt Đỉnh tổng hợp ngay trong bài viết này. Lấy giấy note lại ngay để trở thành một tân du học sinh thông thái bạn nhé!
Nội dung chính
Lấy thẻ sinh trắc học (BRP)
Theo kinh nghiệm du học Anh của nhiều sinh viên quốc tế, khi đến UK việc đầu tiên bạn cần làm là lấy Thẻ sinh trắc học (Biometric Residence Permit, viết tắt là BRP) trong vòng 10 ngày kể từ khi đặt chân xuống máy bay.
Được biết, BRP là thẻ chứng minh quyền lưu trú của du học sinh khi học tập tại Anh Quốc, giúp xác nhận thông tin cá nhân, thông tin sinh trắc học của bạn.
Thẻ cũng là bằng chứng về tình trạng nhập cư hợp pháp của sinh viên quốc tế nằm ngoài khối EEA (Khu vực Kinh tế chung Châu Âu) đang lưu trú lại nước Anh để tham gia chương trình học kéo dài trên 6 tháng.
Khi có thẻ BRP, bạn sẽ được quyền học tập, làm việc và sử dụng các dịch vụ, phúc lợi xã hội tại Anh theo quy định phù hợp với visa đã cấp.
Để lấy thẻ sinh trắc học tại bưu điện hoặc trường học (phụ thuộc vào nơi chốn bạn đã chọn khi điền mẫu đơn xin thị thực), bạn cần mang theo visa tạm thời/ hộ chiếu gốc và thư quyết định do Đại Sứ Quán Anh gửi.
Xem thêm các bài viết liên quan:
Sắp xếp chỗ ở trước
Một trong những điều cần biết khi đi du học Anh Quốc cực kỳ quan trọng, đó là sắp xếp và ổn định chỗ ở. Về vấn đề này, chúng ta nên chuẩn bị trước khi sang Anh, với 2 sự lựa chọn:
- Kí túc xá của trường (residence hall): Cơ sở vật chất, an ninh đảm bảo nhưng chi phí cao và luôn có nội quy bắt buộc phải tuân theo.
- Thuê nhà trọ ngoài trường (off-campus university accommodation): Chi phí thấp hơn và bạn có thể dễ dàng rủ bạn về chơi hơn ở KTX. Tuy nhiên, cuộc sống ngoài trường thường phức tạp, ít an ninh và bạn phải làm việc trực tiếp với môi giới/chủ nhà; chưa việc đóng sinh hoạt phí như điện nước, internet… cũng do một tay bạn đảm nhận.
Xem thêm: Chi phí du học Anh
Đăng ký ghi danh tại trường mà bạn du học
Kinh nghiệm du học Anh tiếp theo bạn cần thực hiện là đăng ký ghi danh tại trường mà bạn sẽ theo học. Thủ tục ghi danh gồm:
- Bản sao visa và hộ chiếu.
- Giấy xác nhận đã chuyển tiền học phí.
- Thư mời nhập học CAS (Confirmation of Acceptance for Studies).
Phải hoàn thành xong thủ tục này bạn mới được cấp giấy giới thiệu mở tài khoản ngân hàng và được cấp thẻ thư viện.
Xem thêm: Xếp loại bằng cấp tại Anh
Mở tài khoản ngân hàng
Muốn ổn định cuộc sống trong thời gian đầu tại một đất nước xa lạ, trước tiên bạn phải có tiền để trang trải sinh hoạt phí. Và dĩ nhiên, muốn xài tiền thuận lợi bạn phải mở tài khoản ngân hàng.
Theo kinh nghiệm du học Anh Quốc được nhiều người đi trước truyền lại, để nhanh có thẻ, bạn nên chọn đăng ký tại các ngân hàng/ chi nhánh xa trường và hãy gọi đặt hẹn trước.
Bởi trong những ngày đầu nhập học, đa số các bank gần trường đều đông sinh viên nên sẽ mất thời gian chờ đợi.
Sau đây là giấy tờ cần phải có để làm thủ tục đăng ký:
- Hộ chiếu và visa còn hạn sử dụng.
- Thư xác nhận sinh viên do trường đại học cấp.
- Hoá đơn dịch vụ hoặc hợp đồng thuê nhà có đầy đủ tên + địa chỉ của bạn.
Thông thường, du học sinh sẽ mất 2 tuần kể từ ngày đăng ký mới sở hữu được tài khoản sinh viên (student account). Khi có thẻ, ngân hàng sẽ gửi tên tài khoản internet banking, mã pin, thẻ qua bưu điện về địa chỉ bạn đã đăng ký.
Đăng ký các dịch vụ y tế
Chẳng ai có thể lường trước bệnh tật nên việc tiếp theo bạn cần làm là đăng ký dịch vụ y tế tại các trung tâm gần khu sinh sống của bạn.
Đây là quyền lợi của sinh viên quốc tế khi học tập tại Anh, vì trong hồ sơ xin visa bạn đã phải thanh toán phụ phí y tế khoảng £200 cho thị thực 1 năm sử dụng dịch vụ y tế Quốc gia National Health Service – NHS tại đất nước này.
Do đó ngay khi sang Anh nhập học, bạn hãy liên hệ đăng ký dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí của NHS tại trung tâm y tế riêng của trường, hoặc một phòng khám/ bác sĩ địa phương (General practioner – GP) gần nơi bạn ở.
Đăng ký làm thẻ Railcard (Phí giảm giá giao thông dành cho sinh viên)
Rất nhiều những điều cần biết khi đi du học Anh Quốc, chẳng hạn như đăng ký thẻ Railcard 16-25. Đây là tấm thẻ tuyệt vời giúp bạn tiết kiệm 30% chi phí đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng trên toàn lãnh thổ Anh.
Cắt giảm đến 1/3 giá vé tàu, bus cho phép bạn đi học thuận lợi, kể cả du lịch thăm thú các vùng đất thú vị của Xứ sở sương mù.
Đọc tài liệu chuyên ngành mình sắp học
Tất cả trường đại học tại Anh đều sẽ gửi trước danh sách tài liệu cần thiết cho sinh viên. Mục đích là để sinh viên hình dung trước khối lượng kiến thức sẽ học trong thời gian sắp tới.
Điều này đặc biệt có lợi cho du học sinh vì các bạn sẽ có thời gian tham khảo trước tài liệu tiếng Anh chuyên ngành, từ đó dễ dàng hơn trong việc theo đuổi chương trình học và tự tin trao đổi với bạn học/ trợ giảng/ giảng viên khi chính thức nhập học.
Dựa trên danh sách tài liệu, bạn hãy hỏi các anh chị khóa trước, mượn thư viện hoặc tìm mua tại các tiệm sách cũ để tiết kiệm chi phí.
Khám phá địa điểm xung quanh bạn sống
Thêm một kinh nghiệm du học Anh đáng giá dành cho bạn, đó là hãy dành thời gian khám phá khu vực bạn sinh sống. Việc nắm rõ các địa điểm cần thiết xung quanh nơi ở sẽ giúp bạn ổn định cuộc sống nhanh hơn.
Một số lời khuyên hữu ích bạn có thể thực hiện, chẳng hạn như:
- Đi dạo phố xá quanh nơi mình ở và quanh trường học.
- Đến các hệ thống corner shop để mua sim điện thoại liên lạc về gia đình. Ở đây cũng có thẻ nạp tiền gas, tiền điện, tiền điện thoại…
- Tìm các cửa hàng thực phẩm, siêu thị để khảo giá rau quả, đồ ăn và chọn một vài nơi bán vừa ngon vừa rẻ…
Xem thêm: Các thành phố của Anh
Tham gia các khóa định hướng
Tuần đầu tiên, bạn sẽ được tham gia các khóa định hướng do trường tổ chức, thường mang tên “Welcome Week”, “Freshers’ Week”.
Đây là chương trình chào đón tân sinh viên, cũng là dịp để bạn hiểu rõ hơn về trường học, nơi mình sinh sống và định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Tại đây, ngoài giao lưu với các nhà tuyển dụng/ giáo viên, bạn còn được làm quen nhiều bạn mới đến từ khắp nơi trên thế giới, và có cơ hội tham gia vào các câu lạc bộ/ đoàn thể theo sở thích của mình. Vậy nên đừng bỏ lỡ các khóa định hướng này nhé!
Trên đây là tất tần tật những điều cần biết khi đi du học Anh Quốc được các cựu sinh viên quốc tế truyền lại cho lớp đàn em. Hy vọng các kinh nghiệm thiết thực này sẽ giúp tân sinh viên đỡ bỡ ngỡ hơn khi lần đầu sang Anh và nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Đừng quên truy cập chuyên mục hành trang du học Anh để đón đọc các chia sẻ mới nhất về du học tại đây nhé!